Đọc Nẻo Về Của Ý ta như được thưởng thức một bài thơ tuyệt đẹp, trong bài thơ ấy hiện lên những nét vẽ đầy thơ mộng về cảnh núi rừng, ở trong đó cũng chứa đựng nguồn tuệ giác thâm sâu có được từ chính những trải nghiệm trong cuộc đời thực của tác giả với những nhân vật có thực. Bằng một ngòi bút nhẹ nhàng, khoáng đạt, đầy yêu thương, tác giả nắm tay ta cùng bước trên những thảm cỏ xanh quanh chân núi rồi từng bước một, cùng ta đi rất thảnh thơi, an lạc theo vòng xoắn ốc lên tới tận đỉnh núi. Trên đường đi ngập tràn những kỳ hoa dị thảo, người bộ hành vừa đi vừa chơi, vừa thưởng thức những vẻ đẹp xung quanh và khi lên tới nơi mới ngỡ ngàng là mình đang ở trên đỉnh núi, vui sướng, khỏe nhẹ và bình an.
Đọc Nẻo Về Của Ý ban đầu ta thấy thích thú với những chuyện kể đời thường, vừa bình dị vừa sống động và dí dỏm. Qua những cái bình dị đời thường ấy, tác giả đã chỉ cho ta thấy ánh sáng chói ngời của chân lý tối thượng.
Cuốn sách này sau khi được cô Mobi Warren dịch ra tiếng Anh đã được các độc giả Tây Phương đón nhận một cách nồng nhiệt. Chỉ trong vòng năm năm, từ khi cuốn sách được dịch ra tiếng Anh, nó đã được dịch ra 12 thứ tiếng khác, tính đến nay nó đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới. Cô Rachel Neuman, biên tập viên của nhà xuất bản Parallax, trong lúc ngồi trên máy bay từ New York tới San Francisco đã đọc hết bản dịch của cuốn Nẻo Về Của Ý và nói đây là tác phẩm cô yêu thích nhất của tác giả Thích Nhất Hạnh.
2. Trái Tim Mặt Trời
Thiền tập của đạo Bụt khởi nguyên từ đời sống hàng ngày của đức Thế Tôn và cũng được nếp sống ấy hàm dưỡng từng ngày. Truyền thống thiền tập của đạo Bụt sở dĩ sinh động và phong phú như ngày nay là do đã được nuôi dưỡng liên tục bởi nhiều thế hệ thiền giả trong hai ngàn sáu trăm năm qua. Với sự hiểu biết tường tận và kinh nghiệm sống thiền dào dạt của mình, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã mở toang cánh cửa đi vào nếp sống thiền hùng vĩ ấy để chúng ta có thể thừa hưởng được suối nguồn tuệ giác đạo Bụt.
Thiền trong Trái Tim Mặt Trời là một nếp sống sống động. Nếp sống ấy đặt nền tảng trên sự hiểu biết tường tận và trung thành với Phật giáo Nguyên thủy, nếp sống ấy thừa hưởng được sự thăng hoa và cởi mở của Phật giáo Đại thừa, nếp sống ấy hơn thế nữa, còn thể hiện sự hòa quyện mầu nhiệm giữa suối nguồn tuệ giác đạo Bụt với nền triết học hiện đại và các khám phá mới nhất của khoa học thế giới.
Qua Trái Tim Mặt Trời, Thiền sư sẽ đưa nhịp thở mong manh của trái tim bạn hòa làm một với nhịp thở hùng tráng của mặt trời.
3. Không Diệt Không Sinh Đừng Sợ Hãi
Không Diệt Không Sinh Đừng Sợ Hãi (Tái Bản 2019) Nhiều người trong chúng ta tin rằng cuộc đời của ta bắt đầu từ lúc chào đời và kết thúc khi ta chết. Chúng ta tin rằng chúng ta tới từ cái Không, nên khi chết chúng ta cũng không còn lại gì hết. Và chúng ta lo lắng vì sẽ trở thành hư vô. Bụt có cái hiểu rất khác về cuộc đời. Ngài hiểu rằng sống và chết chỉ là những ý niệm không có thực. Coi đó là sự thực, chính là nguyên do gây cho chúng ta khổ não. Bụt dạy không có sinh, không có diệt, không tới cũng không đi, không giống nhau cũng không khác nhau, không có cái ngã thường hằng cũng không có hư vô. Chúng ta thì coi là Có hết mọi thứ. Khi chúng ta hiểu rằng mình không bị hủy diệt thì chúng ta không còn lo sợ. Đó là sự giải thoát. Chúng ta có thể an hưởng và thưởng thức đời sống một cách mới mẻ. Không diệt không sinh đừng sợ hãi là tựa sách được Thiền sư Thích Nhất Hạnhviết nên dựa trên kinh nghiệm của chính mình. Ở đó, Thầy Nhất Hạnh đã đưa ra một thay thế đáng ngạc nhiên cho hai triết lý trái ngược nhau về vĩnh cửu và hư không: “Tự muôn đời tôi vẫn tự do. Tử sinh chỉ là cửa ngõ ra vào, tử sinh là trò chơi cút bắt. Tôi chưa bao giờ từng sinh cũng chưa bao giờ từng diệt” và “Nỗi khổ lớn nhất của chúng ta là ý niệm về đến-đi, lui-tới.” Được lặp đi lặp lại nhiều lần, Thầy khuyên chúng ta thực tập nhìn sâu để chúng ta hiểu được và tự mình nếm được sự tự do của con đường chính giữa, không bị kẹt vào cả hai ý niệm của vĩnh cửu và hư không. Là một thi sĩ nên khi giải thích về các sự trái ngược trong đời sống, Thầy đã nhẹ nhàng vén bức màn vô minh ảo tưởng dùm chúng ta, cho phép chúng ta (có lẽ lần đầu tiên trong đời) được biết rằng sự kinh hoàng về cái chết chỉ có nguyên nhân là các ý niệm và hiểu biết sai lầm của chính mình mà thôi. Tri kiến về sống, chết của Thầy vô cùng vi tế và đẹp đẽ. Cũng như những điều vi tế, đẹp đẽ khác, cách thưởng thức hay nhất là thiền quán trong thinh lặng. Lòng nhân hậu và từ bi phát xuất từ suối nguồn thâm tuệ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một loại thuốc chữa lành những vết thương trong trái tim chúng ta.