Miếng Da Lừa
Tiểu thuyết Miếng da lừa (1831) là một trong những tác phẩm xuất sắc đầu tiên của Honoré de Balzac, tiếp sau cuốn tiểu thuyết lịch sử Những người Chouan (1829), chấm dứt giai đoạn những tiểu thuyết ly kỳ, kỳ quặc và mở đầu bước phát triển mới trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn sau mười năm tìm tòi, mò mẫm, gian khổ, lâu dài. Từ nay Balzac đi hẳn vào con đường lớn của chủ nghĩa hiện thực mà Miếng da lừa là một trong những mốc đầu tiên.
Miếng da lừa kể về Raphaël de Valentin là một thanh niên quý tộc phá sản, có tài năng và chí hướng. Ban đầu anh cam chịu sống cảnh nghèo nàn trong một gian gác xép để cần cù học tập nghiên cứu và viết sách. Nhưng anh lại khao khát tình yêu và mơ ước một cảnh yêu đương trong nhung lụa, cho nên anh không quan tâm đến mối tình của Pauline, con gái bà chủ nhà nơi anh trọ, mặc dầu họ ân cần chăm sóc anh rất chu đáo. Anh say mê nữ bá tước Foedora, người đàn bà thời thượng có sắc đẹp và tiền của nhưng lại vô tình, thiếu thốn trái tim để hưởng ứng mối tình chân thành và nồng nhiệt của Raphaël. Cuối cùng anh bị Foedora cự tuyệt và anh lăn mình vào những cuộc hành lạc cho tới khi hết nhẵn tiền, anh định ra sông tự tử. Nhưng vừa lúc đó, Raphaël được một lão già bán đồ cổ cho một miếng da lừa có phép màu làm thỏa mãn mọi ước nguyện của anh, nhưng mỗi lần được toại nguyện thì miếng da lừa co lại và tuổi đời anh lại giảm đi.
Đọc Miếng da lừa chúng ta thấy Balzac sử dụng yếu tố hiện thực huyền ảo - là một trong những đặc điểm nổi bật mà văn học Mỹ Latinh kế thừa và phát triển vào thế kỷ XX. Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Miếng da lừa đóng một vai trò rất lớn trong việc thắp sáng thế giới kì ảo trong kho tác phẩm Balzac. Thông qua các mô típ kì ảo, Miếng da lừa đã mô tả rất rõ xã hội đương thời. Một "triều đại của bọn chủ nhà băng" với khẩu hiệu nổi tiếng "Hãy làm giàu". Lý tưởng duy nhất ngự trị xã hội đương thời là chạy theo đồng tiền, nó chà đạp mọi thứ từ danh dự, đạo đức, tư tưởng, tình cảm... và đời sống con người.
Tag:Honore De balzac