Tà Dương không chỉ là cuộc suy tàn của một gia đình quý tộc mà còn là cơn tan vỡ của một thời đại đầy ảo tưởng và một xã hội đầy nạn nhân. Đó là những ngày tháng phong ba và ám tối vào giữa thế kỷ hai mươi ở Nhật. Trong cái gia đình quý tộc đang dần dà trở nên khốn cùng ấy, mỗi người bám vào một thứ lương tri tự nguyện.
Người mẹ sống nốt những này cuối cùng của cuộc chiến như một người quý tộc cuối cùng, hiền dịu, nhẹ nhàng, mang theo mình cái đẹp bi thiết của tà dương.
Người con trai Naoji tan nát tâm hồn, không thể chịu đựng một sự giả dối nào, mang chủ nghĩa hư vô đi vào cái chết.
Và cô con gái kỳ diệu Kazuko. Nàng không muốn làm nạn nhân của một lý tưởng nào, một luân thường nào. Không cần hôn nhân, nàng quyết định có con.
Tự do, nàng cưu mang sự sống, đối mặt với những tan nát phũ phàng. Dẫu biết là bất định, nàng vẫn sống như nàng muốn. Cho ngày mới.
Dazai Osamu luôn khắc họa vẻ đẹp của người đứng một mình, xa cách bên rìa thế giới, cưu mang sâu thẳm bóng tối, vừa kinh sợ vừa cười nhạo thế gian. Như trong Tà dương, người mẹ quý tộc cuối cùng chết đi với sự cam chịu (akirame) của thứ mỹ học truyền thống, người em Naoji đơn độc với sự cưỡng kháng vẫy vùng bỏ cuộc, người chị Kazuko với cuộc cách mạng tình yêu đơn phương, sẵn sàng bước qua ngưỡng cửa đời chỉ với hành trang là một sinh mệnh nạn nhân mới như điểm kết nối giữa chút tình cho những ngày tháng cũ và ánh le lói của ngày mai sương mù. Trong ánh tà dương của thời cuộc, sự cô độc ấy lại càng thêm đẹp đẽ và bi đát. Trên tuyệt đỉnh tàn phai... - Dịch giả Hoàng Long
Những nhận xét về "Tà Dương"
"Tác phẩm của Dazai khiến cho người đọc quên mất tác giả là người Nhật Bản, chỉ thấy nỗi cảm động như thể chuyện của mình đang được viết ra mà thôi." - Nhà nghiên cứu Okuno Takeo
"Có thể nói tác phẩm của Dazai mang tính "hậu hiện đại" đến mức ngạc nhiên. Cái bi kịch của Yozo trong Thất lạc cõi người, cuộc vượt thoát của Kazuko trong Tà dương có khác gì mỗi chúng ta trên đường tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống? Dazai cứ điềm nhiên viết ra hết mực chân thành. Điều đó khiến văn phong của tiên sinh vô cùng ám ảnh." - Dịch giả Hoàng Long; Báo Tuổi Trẻ
Thông tin tác giả Dazai Osamu
Dazai Osamu
Sinh (1909-1948) là một nhà văn Nhật Bản tiêu biểu cho thời kỳ vừa chấm dứt Thế chiến thứ Hai ở Nhật. Ông thường được nhắc tới như một thành viên tiêu biểu trong văn phái Buraiha (Vô Lại Phái). Dazai dùng lối viết giản dị như câu nói thường ngày. Những tác phẩm nổi tiếng của ông đều dựa vào những sự việc xảy ra trong cuộc đời mình nên ông được xếp vào "Tự truyện, Tiểu thuyết tự thuật".
Tác phẩm của Dazai hàm chứa nỗi bi quan sâu đậm, điều không có gì lạ ở một người nhiều lần thực hiện hành vi tự tử. Các nhân vật tiểu thuyết của ông cũng quan niệm chuyện tự tử như cách duy nhất để thay thế cho đời sống Địa ngục của họ, nhưng thường thất bại trong việc tự tử chính vì thái độ khinh bạc đối với sự sống hay chết.
Các tác phẩm của Dazai Osamu đã được xuất bản tại Việt Nam:
- Tà Dương
- Nữ Sinh
- Thất Lạc Cõi Người