Thần Thoại Hy Lạp (Bìa Cứng)
Trích Lời Giới thiệu của Dịch giả Nguyễn Văn Khỏa: “THẦN THOẠI HY LẠP, một di sản văn hóa của nhân dân Hy Lạp, từ lâu đã trở thành một giá trị phổ biến vô cùng quý báu của gia tài văn hóa nhân loại. Thật vậy, hiếm có thần thoại của dân tộc nào trên thế giới lại luôn luôn được tái sinh như thần thoại Hy Lạp, lại luôn luôn có mặt hiện diện trong đời sống hàng ngày như thần thoại Hy Lạp...
... Ngày nay thời đại của niềm tin thần thoại và tư duy thần thoại đã lùi vào quá khứ. Cung điện Ôlanhpơ của thế giới thần thánh chắc hẳn đã phải dời đến một hành tinh xa xăm nào đó... Nhưng chúng ta vẫn lưu giữ trân trọng tài sản thần thoại như lưu giữ một chiến công hiển hách của loài người trong tiến trình lịch sử. Chúng ta vẫn mang theo quá khứ để tiến tới tương lai chứ không phải quay về quá khứ, quay về niềm tin thần thoại để chinh phục tương lai, tương lai của thời đại tư duy khoa học và cách mạng. Nhiều ước mơ của con người xưa kia đã trở thành hiện thực. Biết bao chàng Đêcan và Icar của thế kỷ XX vẫn đi đi về về trong không gian vũ trụ bao la khiến thần Dớt dù có nổi trận lôi đình, dồn mây mù sấm sét cũng không ngăn cản được... Nhân loại đã khác xưa rất nhiều. Tuy nhiên trong đời sống của nhân loại lại nảy sinh ra những nỗi đe dọa khủng khiếp của một thứ "số mệnh mới" cùng với các vị thần mới, ma quỷ mới, bạo chúa mới muốn xóa bỏ những thành tựu văn hóa, văn minh của loài người.
...Nhân loại vẫn đang đứng trước một câu hỏi, một lời thách đố của con nhân sư Xphanh - Lịch sử. Vì lẽ đó, nhân loại còn cần đến những Prômêtê, Hêraclex... để đấu tranh với Số mệnh, chiến thắng Số mệnh. Và để sống, chiến thắng thì không thể để mất Lòng tin và Hy vọng, không thể thiếu ước mơ, hơn nữa lại càng phải biết yêu cái Chân, Thiện, Mỹ thật sâu sắc, biết ghét cái Ác, cái Dối trá, Ti tiện, cái Hèn Nhát thật sâu sắc. Vì vậy, thần thoại Hy Lạp vẫn rất đáng quý với chúng ta. Đó chính là thế giới nguyên sơ nhất của loài người: vụng dại song tràn đầy tin yêu, giản đơn song thông minh ngộ nghĩnh, hoang sơ song đầy ắp ước mơ và khát vọng táo bạo”.
Thần thoại Hy Lạp hình thành trong một quãng thời gian lịch sử khá dài, từ thời nền văn minh Miken (2000-1100 TCN) đến những buổi thi biểu diễn, đọc, kể anh hùng ca của Hômer trong những ngày hội rối đến hội diễn bi kịch trong ngày hội Điônidôx...
Cuốn THẦN THOẠI HY LẠP này tuyển chọn 53 chuyện kể dân gian truyền miệng như: Nguồn gốc của thế gian và của các vị thần, Crônôx lật đổ Uranôx, Thần Dớt ra đời, Prômêtê và loài người, Thần Rượu Nho Điômidôx, Cuộc phiêu lưu của Phaêtông, Truyền thuyết về cuộc chiến tranh Tơroa...
Tag:Nguyễn Văn Khỏa