Quy tắc số 5 thần thánh làm nên tinh hoa ẩm thực Nhật

Thao
Th 7 06/05/2023

Quy tắc số 5 thần thánh làm nên tinh hoa ẩm thực Nhật

Với những ai đã trót đem lòng yêu mến ẩm thực Nhật hẳn sẽ phải công nhận rằng: những nét tinh tế của người Nhật dường như đều được gói ghém vào đây. Nhưng có lẽ cũng ít ai biết đằng sau đó là cả một hệ thống "quy tắc số 5" thần thánh.

Người ta nói rằng quy tắc quan trọng nhất trong bày trí ẩm thực Nhật là quy tắc số 5.

Tôn chỉ trong ngành ẩm thực Nhật là phải "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi" bằng cách kết hợp hài hòa các thành tố: 5 màu, 5 hương vị, 5 cách chế biến, 5 giác quan. Bộ 4 yếu tố này trở thành quy luật truyền đời phản ánh sự tôn sùng và yêu thiên nhiên của người Nhật.

1. 5 cách chế biến (五法)

Gồm "nướng, hấp, rán, luộc, hầm". Dù nấu theo cách nào, món ăn luôn phải giữ được vị ngọt và độ dinh dưỡng tự nhiên.

2. 5 vị (五味)

Gồm "vị ngọt", "vị chua", "vị mặn", "vị đắng" và "vị umami".

“Vị ngọt”, “vị chua” và “vị mặn” chỉ có một vị duy nhất, nhưng “vị đắng” lại có nhiều điểm khác biệt. Ví dụ, có sự khác biệt giữa vị đắng của socola và vị đắng của matcha, và vị umami là vị của glutamate thường có trong tảo bẹ, nhưng nó cũng là một thành phần riêng biệt từ cá ngừ khô, nấm đông cô khô và thịt ướp muối... Vị umami có thể gặp nhiều trong các món ăn Nhật, và người ta cho rằng vị umami cũng là một vị độc đáo của ẩm thực Nhật Bản.

3. 5 màu (五色)

Ẩm thực Nhật Bản coi trọng ngũ sắc trong cách nấu nướng và phục vụ.

Màu sắc là đỏ, vàng, xanh lam (xanh lá cây), trắng và đen, và sự lộng lẫy của ẩm thực Nhật Bản được thể hiện bằng cách sử dụng năm màu đại diện cho ngũ hành: kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ. Màu đỏ và màu vàng là những màu ấm giúp tăng cảm giác ngon miệng, màu xanh lam mang lại cảm giác sảng khoái, màu trắng thanh khiết và màu đen mang cảm giác tập trung tận hưởng món ăn.

4. 5 giác quan (五感)

Năm giác quan đề cập đến "thị giác", "thính giác", "khứu giác", "xúc giác" và "vị giác".

Người Nhật quan niệm rằng điều quan trọng của một món ăn ngon không chỉ quyết định bởi hương vị, mà còn được đánh giá bởi vẻ đẹp hình thức, âm thanh tới từ độ giòn dai của nguyên liệu, và sự cảm về mùi hương...

Một người đầu bếp hiểu được điều này, và có thể đặt mình vào vị trí một thực khách để tạo ra một món ăn ngon mắt và ngon vị, được gọi là "lòng hiếu khách" (Omotenashi) ở Nhật Bản.

Bạn sẽ dễ dàng gặp sự hội đủ của những quy tắc này trong "Kaiseki Ryori" - bữa ăn truyền thống thể hiện sự đa dạng và độc đáo của nền ẩm thực xứ Phù Tang. Với cách chế biến và bày trí cầu kỳ và hết sức tinh tế, giúp người ăn cảm nhận được hương vị trọn vẹn của món ăn theo từng mùa và từng loại thực phẩm đặc sắc riêng.

An Triệu