Dệt Nên Triều Đại
Những người soạn thảo cuốn sách này là những người con của Việt Nam sống tại các châu lục khắp thế giới. Tuy sống ở những góc khác nhau của địa cầu, chúng tôi cùng trăn trở một vấn đề giống nhau: đó là sự hạn chế về nhận thức bản sắc của các cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới.
Trăn trở đó đã thôi thúc chúng tôi mày mò và tìm cách quảng bá nền văn hoá lâu đời của Việt Nam, thông qua từng khía cạnh, bắt đầu từ khía cạnh ăn mặc. Không ngoa khi nói rằng áo quần là thước đo văn minh của một nền văn hoá Á Đông như Việt Nam, bởi nó đại diện cho tư tưởng, thẩm mĩ và cả nền tảng công nghiệp, kĩ nghệ của đất nước. Nghề dệt may trong lịch sử luôn là một ngành kĩ thuật tinh xảo và có mối liên hệ sâu sắc với sự thịnh vượng kinh tế và thể diện quốc gia. Các triều đại tự chủ của Việt Nam khi kiến tạo thể chế quốc gia thường đặt phục trang là một trong những yếu tố ưu tiên. Đó chính là khởi nguồn của cái tên cho cuốn sách “Dệt nên triều đại”—chúng tôi muốn kể câu chuyện xây dựng “nhận dạng” của quốc gia dân tộc thông qua câu chuyện bề nổi là dệt và may.